Giỏ hàng của bạn trống!
Nghiện công việc và tác động tới sức khỏe tâm thần | Safe and Sound
Chăm chỉ là tốt. Tuy nhiên, nghiện công việc mang lại nhiều hậu quả về tâm lý và sức khỏe tâm thần như bị stress khi không hoàn thành mục tiêu đề ra, rối loạn cảm xúc... cũng như gây ra nhiều vấn đề thể chất. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách cải thiện tình trạng nghiện công việc để tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn.
Vi Nguyễn Duy Minh | Chuyên viên - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS
Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển
1. Dấu hiệu nhận biết người nghiện công việc
Nghiện công việc là tình trạng trong đó cá nhân gắn liền tâm lý, tình cảm và xã hội vào công việc. Nói cách khác, cuộc sống của người nghiện công việc chỉ xoay quanh công việc, những ưu tiên khác gần như không hiện hữu. Đây là một tình trạng sức khỏe tâm thần, ảnh hưởng tới cuộc sống của rất nhiều người. Bên cạnh đó, nữ giới có xu hướng mắc tình trạng này cao hơn nam giới.
Ảnh 1: Nữ giới có xu hướng nghiện công việc cao hơn
Những người này dành quá nhiều thời gian cho công việc, kể cả những việc không liên quan. Họ thường xuyên bị ám ảnh về hiệu suất công việc và dễ có cảm xúc thất vọng nếu kết thúc ngày mà còn công việc dang dở. Các dấu hiệu phổ biến của chứng này bao gồm:
- Trì hoãn rời văn phòng hoặc mang việc về nhà.
- Liên tục kiểm tra tin nhắn, email công việc.
Ngoài ra, có thể sử dụng thang đo Bergen để nhận biết tình trạng này với 7 tiêu chí sau:
- Luôn tìm cách có nhiều thời gian làm việc.
- Công việc tốn nhiều thời gian hơn dự định ban đầu.
- Làm việc để giảm cảm xúc tiêu cực.
- Được yêu cầu giảm bớt công việc nhưng không theo.
- Cảm xúc căng thẳng, lo lắng khi rời xa công việc.
- Từ bỏ sở thích, thói quen, thời gian bên gia đình để chìm đắm vào công việc.
- Nhận thấy tổn hại sức khỏe (sức khỏe tâm thần và thể chất) rõ ràng từ công việc.
Nếu có 4/7 tiêu chí trên, nhiều khả năng bạn là người nghiện công việc.
2. Hậu quả của nghiện công việc lên cuộc sống và sức khỏe tâm thần
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, phụ nữ dễ nghiện công việc hơn nam giới. Có nhiều nguyên nhân tâm lý và sinh lý cho hiện tượng này:
- Phụ nữ thường cầu toàn hơn nam giới, do đó họ đặt ra yêu cầu cao hơn cho bản thân.
- Định kiến xã hội khiến phụ nữ phải làm việc chăm chỉ hơn để có thể cạnh tranh với nam giới. Đó là lý do những phụ có vị trí cao trong xã hội thường đối mặt với stress và nhiều vấn đề tâm lý, phổ biến hơn nam giới.
- Áp lực cân bằng công việc và cuộc sống gia đình.
Hậu quả của nghiện công việc khá tương đồng giới hai giới. Về sức khỏe tâm thần, các hậu quả bao gồm rối loạn tâm lý, rối loạn cảm xúc, trầm cảm... Bên cạnh đó, tình trạng còn gây ra mất ngủ, gia tăng tần suất bị stress. Tình trạng căng thẳng mãn tính làm tăng nguy cơ hoặc trầm trọng hơn các bệnh lý về tim mạch, béo phì, tiểu đường...
Ngoài ra, nghiện công việc còn đem lại nhiều vấn đề trong các mối quan hệ, khiến người nghiện công việc dần xa cách mọi người. Điều này càng làm trầm trọng các vấn đề về tâm lý và sức khỏe tâm thần của bệnh nhân.
3. Cải thiện tình trạng nghiện công việc
Người nghiện công việc thường phủ nhận tình trạng của mình. Do đó, người thân cần giúp họ nhận ra tình trạng của mình để tích cực thay đổi.
3.1. Đặt hẹn kết thúc công việc
Bước đầu tiên này khó khăn nhưng là điều cần thiết. Người nghiện công việc cần hiểu rằng thời gian không quyết định hiệu quả công việc. Do đó, cần hoàn thành công việc trong thời gian sớm nhất, với hiệu quả cao nhất. Có câu nói: “Hãy làm việc thông minh hơn chứ đừng làm việc nhiều hơn”.
Ảnh 2: Đặt hẹn kết thúc công việc tuy khó nhưng cần thiết
3.2. Phân tán tư tưởng vào các hoạt động giải trí, thể thao cùng gia đình, bạn bè
Việc này giúp người nghiện công việc quên đi sự ám ảnh với công việc. Điều quan trọng là tìm được hoạt động phù hợp và thực hiện hoàn toàn tự nguyện. Không nên cưỡng ép bản thân làm những điều mình không muốn.
3.3. Tìm tới bác sĩ tâm lý
Nếu tình trạng nghiện công việc đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của bạn, bạn cần cân nhắc tìm tới bác sĩ tâm lý. Ngoài ra, nếu tình trạng đi kèm với các rối loạn tâm lý như rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lưỡng cực, điều này càng cần thiết. Họ sẽ giúp bạn xác định chính xác tình trạng và xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp nhất.